Tập thể dục thường xuyên và lối sống lành mạnh là cách đơn giản nhất để ngăn ngừa bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Theo các nhà khoa học, hoạt động thể chất có thể phòng cả ung thư.
Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp bạn kiểm soát cân nặng, cải thiện huyết áp mà còn ngăn chặn sự khởi đầu của một số bệnh. Theo Dailyhealthpost, một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng hoạt động thể chất có liên quan tới việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như dưới đây:
1. Ung thư nội mạc tử cung
Nhiều nghiên cứu khoa học tìm hiểu mối liên hệ giữa sự phát triển ung thư nội mạc tử cung và thói quen luyện tập thể dục. Khoảng 20 nghiên cứu gần đây có thể chỉ ra rằng, luyện tập thể chất thường xuyên có thể giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung 20% - 40%.
Các nhà nghiên cứu Trường Y tế công cộng Đại học Yale báo cáo tại Hội nghị nghiên cứu dự phòng Ung thư, nguyên nhân của mối quan hệ này chủ yếu do sự thay đổi về khối lượng hormone như estrogen hay mức chuyển hóa của cơ thể. Họ cũng tìm thấy những phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 25 có rủi ro bị bệnh thấp hơn 73% so với phụ nữ ít vận động có chỉ số BMI trên 25 (Những người có chỉ số BMI trên 25 được coi là thừa cân).
2. Ung thư đại trực tràng
Các nhà nghiên cứu từ Viện Ung thư Dịch tễ học tại Copenhagen, bệnh ung thư đại trực tràng có thể ngăn ngừa được tới 23% nếu thường xuyên vận động. Nghiên cứu này được dựa trên một cuộc khảo sát của 55.489 người đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi từ 50-64 và được tiến hành trong khoảng thời gian gần 10 năm.
Theo đó, họ phát hiện rằng, chế độ ăn uống và hoạt động thể chất đóng vai trò đáng kể trong việc ngăn ngừa ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, lối sống lành mạnh có thể giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Thói quen kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, có thể điều trị của bệnh.
3. Ung thư tuyến tiền liệt
Nhiều nhà nghiên cứu vẫn tranh cãi về khả năng ngăn ngừa sự phát triển ung thư của các hoạt động thể chất. Theo tạp chí nghiên cứu y khoa bang West Virginia, Mỹ, luyện tập thể chất thường xuyên sẽ tác động đến toàn cơ thể, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đó cải thiện khả năng chống lại ung thư của cơ thể, tăng khả năng thành công trong điều trị ung thư.
4. Ung thư vú
Huyết thống và môi trường đóng vai trò chính đối với sự phát triển của bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, các nghiên cứu năm 2011 của tạp chí Nghiên cứu Ung thư vú cho thấy, ở những người hoạt động thể chất tích cực, bệnh xuất hiện chậm hơn, thậm chí ngăn ngừa sự phát triển của bệnh đến 25% so với phụ nữ ít vận động. Ngay cả phụ nữ có đột biến gen BRCS-1 (gen quy định bệnh ung thư vú) cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đáng kể nếu thường xuyên hoạt động thể chất.
5. Ung thư phổi
Ung thư phổi là loại ung thư có tỷ lệ bệnh nhân tử vong cao nhất. Một nghiên cứu về ung thư năm 2013 trên Tạp chí Dịch tễ học Mỹ đưa ra nhiều bằng chứng rằng hoạt động thể dục thể thao tích cực giúp tăng sức để kháng, cải thiện chức năng phổi. Từ đó, nó có thể giảm nguy cơ phát triển ung thư phổi, nhất là ở những người hút thuốc.
6. Ung thư buồng trứng
Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa tập thể dục và giảm nguy cơ ung thư buồng trứng biểu mô (ung thư được tìm thấy trong các tế bào trên bề mặt của buồng trứng). Phụ nữ tham gia vào các hoạt động thể dục cường độ cao thường có nguy cơ giảm ung thư buồng trứng so với những phụ nữ không có hoạt động thể chất thường xuyên, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 4/2010 trên Tạp chí Cancer Causes & Control (Nguyên nhân và kiểm soát ung thư).
Thu Hoài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét